Lễ hội truyền thống Đền An Phú, kỷ niệm 723 năm ngày mất của Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn
Sáng ngày 1 - 10 (17-8 âm lịch), xã Hải Phong tổ chức Lễ hội
truyền thống Đền An Phú, kỷ niệm 723 năm
ngày mất của Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Dự
buổi lễ có các đồng chí: Trần Minh Oanh - Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy,
nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định; Trần Quang Nhuệ, Phó Trưởng Phòng
Văn hóa và Thông tin huyện.
Các đại biểu dâng hương
Đền An Phú
(còn gọi là Đền Đông, Đền Trần An Phú) thuộc thôn An Phú xã Hải Phong. Đền là
công trình kiến trúc tín ngưỡng được xây dựng trong quá trình khai hoang, lấn
biển tạo lập làng xã của người dân địa phương diễn ra từ đầu thế kỷ XIX. Tư liệu
Hán Nôm tại di tích và nhân dân địa phương cho biết ngôi Đền được xây dựng vào
năm 1835, đến năm 1912 được trùng tu, tôn tạo.
Đền An Phú là di tích có giá trị về lịch sử, là nơi thờ tự
tri ân công đức anh hùng dân tộc Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần
Quốc Tuấn. Đồng thời, Đền An Phú là nơi thờ tự tri ân công đức Doanh điền sứ
Nguyễn Công Trứ (1778-1858), người có công tổ chức công cuộc khai hoang lập nên
Tổng Ninh Nhất vào năm 1829 (nay là các xã Hải Phong, Hải An huyện Hải Hậu).
Di tích còn là nơi thờ Tổ lập làng Trần Xuân Khánh (hay còn
gọi là Trần Trung Khánh), đã giúp Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ tổ chức nhân
dân khai khẩn đất hoang lập nên ấp An Phú (nay là thôn An Phú, xã Hải Phong).
Đền được xây dựng trên một khu đất rộng gần 4.000m2,
mặt quay về hướng Đông Nam. Lăng mộ Nguyên mộ Trần Xuân Khánh nằm cách Đền An
Phú khoảng 600m về phía Tây Nam. Công trình Đền và lăng mộ đã tạo thành một hệ
thống thờ tự góp phần khẳng định hơn nữa giá trị lịch sử, kiến trúc của di tích
Đền An Phú.
Bên cạnh giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc Đền An Phú còn
lưu giữ được một số di vật, cổ vật như: tượng, sắc phong, ngai và bài vị, cùng
hệ thống câu đối, đại tự (Đền hiện lưu giữ được 8 đạo sắc phong, nội dung phong
cho Đức thánh Trần, Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ và thần Bản thổ. Trong số 8
đạo sắc phong đó, sắc có niên đại sớm nhất là Thiệu Trị thứ 6 (1846), sắc có
niên đại muộn nhất là Khải Định thứ 9 (1924).
Đền là công trình kiến trúc được xây dựng và tồn tại cùng
với sự hình thành và phát triển của làng xã, vì vậy nơi đây đã diễn ra nhiều sự
kiện lịch sử quan trọng, đồng thời có những đóng góp không nhỏ vào thành tích
chung của địa phương trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trong những năm 1946-1947, tại thôn An Phú, Ban bình dân học
vụ đã chọn ngôi Đền làm nơi mở các lớp học dạy chữ quốc ngữ. Ngày 10/7/1947 chi
bộ Đảng của xã Phúc An (nay là Hải Phong) được thành lập chỉ đạo phong trào
cách mạng tại địa phương, động viên nhân dân kiên cường bám trụ, một lòng phục
vụ kháng chiến. Đền An Phú trở thành cơ sở hội họp của các tổ chức quần chúng
và là nơi luyện tập của lực lượng dân quân du kích trong thôn. Đền đã được sử
dụng là nơi sinh hoạt, làm việc của nhiều cơ quan của tỉnh, huyện. Đặc biệt là
nơi đóng quân của Đại đội 28-Trung đoàn 46-Bộ đội tỉnh Nam Định. Tháng 10/1949,
giặc Pháp mở rộng địa bàn chiếm đóng huyện Hải Hậu Đền An Phú trở thành cơ sở
hoạt động của các cán bộ bí mật gây dựng phong trào cách mạng ở địa phương và
huyện Hải Hậu. Hiện nay trong khuôn viên của Đền vẫn còn lưu lại dấu vết của
hầm bí mật.
Những
hình ảnh rước truyền thống tại Đền An Phú
Ngày 02/9/2006, Đền An Phú được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng
là Di tích Lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Hằng năm Đền An Phú tổ chức lễ hội vào
dịp ngày kỵ của Đức Thánh Trần 20/8 Âm lịch.
Lễ
hội truyền thống đền An Phú xã Hải Phong là hoạt động thiết thực thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; nhắc nhở
các thế hệ tri ân công lao của các bậc tiền nhân đã có công xây dựng và bảo
vệ quê hương, đất nước./
Việt
Hải