Sáng ngày 23/2 (tức ngày 4 tháng 2 năm
Quý Mão), thị trấn Cồn long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội chùa Cồn năm 2023.
Tham dự lễ hội có đồng chí Lưu Thị Nghiêm – TVHU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND
huyện, đại biểu đại diện lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, Ủy ban MTTQ
huyện, lãnh đạo thị trấn cùng đông đảo bà con Phật tử đến dâng hương, chiêm
bái.


Chùa Cồn tên chữ là “Quy Hồn tự” là di tích gắn liền với lịch sử
lấn biển khai hoang, tạo lập làng xóm. Chùa được xây dựng vào năm 1860. Bên
cạnh thờ Phật, chùa Cồn còn thờ những người có công khai hoang lấn biển, dựng
ấp, lập làng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, di tích chùa
Cồn đã có nhiều đóng góp quan trọng. Năm 1954, chùa Cồn là nơi mở hội quán của
phật giáo chấn hưng Bắc kỳ. Từ đây nhiều vị hòa thượng và nhà sư đã trưởng
thành, giữ chức chủ tịch đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chùa Cồn còn
là nơi tập trung lực lượng cách mạng và quần chúng, làm địa điểm đặt quân y
tiền phương, làm hầm bí mật cho cán bộ. Nhiều nhà sư của chùa Cồn đã cởi áo cà
sa đi làm cách mạng, có 2 người đã hi sinh ngoài mặt trận.
Di tích chùa Cồn gồm nhiều hạng mục, công trình, được xây
dựng trên khu đất rộng ở trung tâm thị trấn, mặt quay về hướng Đông. Khu vực
chính thờ Phật nằm giữa, phía Nam chùa là năm gian có nhà thờ Tổ. Phía Bắc chùa
là phủ Mẫu. Sau ba tòa nằm song song theo chiều dọc là ba gian nhà thờ thành
hoàng và các Tổ khai sáng. Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử và kiến trúc
nghệ thuật, năm 1997 chùa Cồn đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa
cấp Quốc gia.
Năm 2020 di tích lịch sử văn hóa Chùa
Cồn được trùng tu, tôn tạo đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ các
sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Cảnh quan khuôn viên trong khu di
tích cũng được chỉnh trang khang trang sạch đẹp với tổng kinh phí đầu tư gần 20
tỷ đồng. Di tích lịch sử văn hóa chùa Quy Hồn đã nhận được sự quan tâm của các
cấp chính quyền cùng sự ủng hộ, phát tâm công đức của toàn thể nhân dân trong
và ngoài thị trấn, tiêu biểu như gia đình ông Lân, tỉnh Bình Dương công đức 3,5
tỷ đồng, gia đình ông Lợi – TDP 5, thị trấn Cồn công đức pho tượng phật và gạch
xây trị giá 2 tỷ đồng và rất nhiều tập thể cá nhân khác ủng hộ hàng trăm triệu
đồng bằng tiền và hiện vật.

Để tưởng nhớ công lao khai hoang lấn
biển mở đất, dựng làng, dựng xóm của tổ tiên, hàng năm cứ đến tháng 2 âm lịch,
lễ hội chùa Cồn lại được tổ chức. Đây là dịp để nhân dân địa phương và
những người đi làm ăn xa về họp mặt, cùng nhau đến thăm chùa, lễ Phật, để
thắp nén hương tưởng nhớ tri ân công lao của các bậc tiền nhân. Ngoài việc tế
lễ, nhân dân địa phương còn tổ chức rước kiệu quanh chùa, vào buổi tối tổ chức chương
trình giao lưu văn nghệ với đoàn chèo tỉnh Hà Nam.

Bên cạnh lễ hội truyền thống, tại đây
còn diễn ra Hội chợ cây cảnh nghệ thuật thị trấn Cồn. Tại đây đã quy tụ rất đa
dạng các tác phẩm hoa, cây cảnh nghệ thuật đặc sắc từ bàn tay tài hoa của các
nghệ nhân của thị trấn cũng như nhân dân các địa phương đã sáng tạo và chăm sóc
mang tới lễ hội cùng giao lưu, góp phần tạo thêm điểm nhấn đặc sắc cho lễ hội
chùa Quy Hồn, thị trấn Cồn./
Việt Hải