Các đồng chí lãnh đạo huyện tổ chức lễ dâng hương tại nhà bia Phú Cường, đền thờ Tứ tổ, đền Liệt sỹ
Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh
2-9, Chào mừng Kỷ niệm 135 năm thành lập huyện, với
truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền
nhân đã có công mở đất Quần Anh xưa, huyện Hải Hậu ngày nay, các anh hùng, liệt
sĩ đã hy sinh anh dũng vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, chiều ngày 30/8, các
đồng chí Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện; các đồng chí Ban
Thường vụ Huyện ủy; cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên các cơ quan thuộc
Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của huyện
và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã tổ chức Lễ dâng hương tại nhà
bia Phú Cường, đền thờ Tứ tổ và các vị liệt tổ; đền Liệt sỹ Hải Hậu. Đây
là những địa danh, những mốc son suốt chiều dài lịch sử trên 500 năm mở đất, 135
năm thành lập huyện Hải Hậu.
Nhà bia Phú Cường ở xã Hải Trung - nơi đặt dấu chân mở đất đầu tiên
của Tứ tổ khai cơ khẩn hoang lên huyện Hải Hậu ngày nay.
Đền
thờ Tứ tổ (Tổ Trần Vu- Vũ Chi- Hoàng Gia- Phạm Cập tại xã Hải Anh) và thờ
“Thành trung liệt tổ” tiếp đến “Kế chí liệt tổ”, công nghệ, nghiệp sư.
Cách đây hơn 5 thế kỷ - Thuỷ tổ Trần Vu quan
sát thấy bãi biển phía Nam - huyện Nam Chân - Một vùng đất đẹp nổi cồn.
“Chốn hải tần cách nước
mây
Cá bơi, hạc đứng, nơi
này mở mang”
Thế đất có hình dáng long
(rồng). Cồn rồng vươn lên phương Bắc, lưng lượn chín khúc (sông cửu khúc), thổ
nhưỡng phì nhiêu, long mạch (sông nước) thuận tiện, vượng khí (thiên nhiên)
thoáng đãng. Thuỷ tổ nghĩ ngay nơi đây là nơi đất lành (linh) về quê làng Tương
Đông cùng Tổ Vũ Chi Nguyên - đỗ tiến sỹ hàm quan Chánh án phủ sứ Ái Châu
(Thanh Hoá), sau được Tổ Hoàng Gia, Phạm Cập xuống hiệp lực. Sau quy tụ thêm 9
dòng họ: Lại, Nguyễn, Lê, Bùi, Đỗ, Phan, Đoàn và Trần, Vũ khác.
Năm 1511 đổi thành Quần Anh Xã (nơi quy tụ các anh tài). Cuộc sống
ngày thêm phồn thịnh, phong tục, tập quán làng quê được thiết lập. Năm 1862,
1867 vua Tự Đức ban tặng Quần Anh: “Mỹ tục khả phong” và “Thiện tục khả
phong”. 135 năm qua, nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo, nhân dân Hải Hậu tiếp
tục phát huy nét đẹp của tiền nhân, vượt qua những khó khăn, thách thức, làm
cho quê hương ngày thêm giàu đẹp.
Các đồng chí lãnh đạo huyện dâng hương tại
Đền Liệt sĩ huyện Hải Hậu
Dâng hương, hoa tại Đền Liệt sĩ huyện, trong không khí nghiêm
trang cùng nghi thức trọng thể, các đồng chí lãnh đạo huyện đã kính cẩn mặc niệm,
tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng, Liệt sĩ đã
cống hiến tuổi thanh xuân, chiến đấu quên mình cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong
các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, Hải Hậu có gần 5.000 người con ưu tú
đã anh dũng hy sinh, hiến dâng trọn tuổi xuân cho đất nước; gần 4.000 thương
binh, bệnh binh đã để lại một phần xương máu trên các chiến trường. Đến nay,
quân và dân Hải Hậu đã vinh dự được Đảng, Nhà nước 4 lần phong tặng danh hiệu
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; 22 tập
thể và 19 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân
dân; 5 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; 400
mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng... Dịp này, Hải
Hậu vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen trong phong
trào thi đua trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2018-2023.
Để xứng đáng với sự hy sinh, cống hiến
của lớp lớp cha anh đi trước, cán bộ và nhân dân huyện Hải Hậu nguyện sẽ đoàn kết,
nỗ lực phát huy truyền thống Văn hóa - Anh hùng, huyện nông thôn mới; tiếp tục
đoàn kết, nỗ lực chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương Hải Hậu ngày càng giàu
đẹp, văn minh./.
Kim Luyên - Vũ Diên