Thực
tế trong những năm qua cho thấy, cây đinh lăng không chỉ giúp nhiều nông dân trên địa bàn huyện thoát nghèo
mà còn vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội.
Điều đó thêm
một lần nữa khẳng định chủ trương phát triển cây dược liệu là một trong 3 cây trồng chính trong Đề án
tái cơ cấu nghành nông nghiệp đang là hướng đi đúng đắn, hiệu quả của
Huyện ủy, UBND huyện Hải Hậu, nhằm nâng cao giá trị trên một diện
tích canh tác cho bà con nông dân. Hay nói rộng hơn, cây đinh lăng - một
ngành “kinh tế xanh” đã, đang và sẽ góp phần thiết thực trong xây
dựng huyện Hải Hậu NTM bền vững và phát triển.

Về xóm 11 xã
Hải Quang chứng kiến cơ ngơi khang trang của gia đình ông Bùi Văn Sớm
cùng vườn đinh lăng ngút ngàn có giá trị bạc tỷ chúng tôi mới thấy
hết được vị trí “ông vua” của cây dược liệu đinh lăng trong phát triển
nông nghiệp của bà con nơi đây. Vừa bật hệ thống phun nước tự động cho vườn
đinh lăng ông Sớm vừa vui vẻ cho biết: Tôi gắn bó với cây dược liệu đinh lăng
cả hơn chục năm nay rồi. Diện tích hơn một mẫu này cũng đều là đất tôi thuê của
bà con nông dân trồng lúa kém hiệu quả để làm. Vườn đinh lăng này năm nay mới bước sang
tuổi thứ 3 nhưng tôi đã xuất bán hai lần được 250 triệu đồng. Lần
thứ nhất là khi vườn cây vừa được một tuổi thì tôi cắt cành bán
giống được 100 triệu đồng, lần thứ hai là năm 2014, để giúp cho rễ
đinh lăng còn lại phát
triển thuận lợi hơn nên cứ hàng cách hàng tôi lại đào và bán từ
gốc đến rễ với giá 27 nghìn đồng/kg được 150 triệu đồng. Và đến tháng
6/2016 tới đây, nếu xuất bán hết cả vườn này dự kiến sẽ cho thu
khoảng trên 400 triệu đồng nữa. Như vậy, tính ra 1 sào trồng 3
năm sau cho thu nhập từ 170 – 200 triệu đồng. Trừ đi chi phí giống, phân bón,
mỗi một năm cũng cho thu nhập từ 18 - 22 triệu đồng/sào, tức tương đương 520
- 580 triệu đồng/ha/năm. Đây quả là một con số không hề nhỏ!

Hiện tại
gia đình ông đã ký kết được hợp đồng với Công ty Cổ phần Traphaco
một năm cung cấp cho công ty 100 tấn
đinh lăng khô (tương đương 500 tấn đinh lăng tươi). Có đầu ra ổn định, nên
không chỉ dừng lại ở việc tiếp tục mở rộng diện tích đinh lăng nhà
mình và vận động các hộ dân trong xóm, trong xã cùng trồng, hiện gia
đình ông còn có 3 cơ sở thu mua và chế biến đinh lăng tại các xã Hải
Ninh huyện Hải Hậu, thị trấn Lạc Quần huyện Xuân Trường và xã Hồng Thuận huyện Giao Thủy. Từ nhiều năm
nay, bình quân gia đình ông thu mua từ 400 - 500 tấn đinh lăng tươi cho bà
con trong và ngoài huyện về sơ chế, sấy khô xuất bán cho Cty Cổ phần
Traphaco. Qua đó đã tạo việc làm thường xuyên cho từ 20 - 30 công nhân
với mức 120 nghìn đồng/ngày.
Rời gia
đình anh Bùi Văn Sớm chúng tôi lại về gia đình ông Bùi Văn Trung ở
xóm 2 xã Hải Quang. Tìm gia đình anh Trung không khó không phải chỉ vì
ông đang là Phó chủ tịch Hội nông dân xã mà còn bởi ông từ lâu đã nổi
tiếng là người mạnh dạn, dám nghĩ dám làm và thành công trong chuyển
đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi ở địa phương. Chẳng thế mà
hiện nay ông Trung đang là chủ trang trại VAC có diện tích 8 mẫu tại
xóm 2 xã Hải Quang. Cụ thể, gia đình ông vừa trồng dược liệu đinh lăng
với trên 10 nghìn gốc, vừa có 6 ao nuôi các loại. Trong đó 2 ao nuôi
tôm nước ngọt, 3 ao nuôi cá truyền thống kết hợp trồng cây dược liệu
sen và 1 ao nuôi ba ba. Hàng năm mô hình VAC tổng hợp này mang lại cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng. Ông Trung tâm sự: Để
phát triển đa dạng các loại cây, con nói chung, nghề trồng dược liệu
nói riêng và nhất là để cây dược liệu như cây sen vốn là cây truyền
thống cho thu nhập cao ở địa phương không bị mai một thì bà con rất
mong các cấp quan tâm đảm bảo môi trường nước, để cây sen được phát
triển thuận lợi hơn...

Được biết, hiện nay huyện Hải Hậu cùng với huyện
Nghĩa Hưng là hai huyện của tỉnh Nam Định được tổ chức HELVETAS Swiss
Intercooperation Việt Nam lựa chọn để thực hiện dự án “Phát triển các hoạt động
thương mại sinh học trong lĩnh vực hợp chất tự nhiên tại Việt Nam” (gọi tắt
là dự án BioTrade). Dự án BioTrade và công ty cổ phần Traphaco cùng hợp tác để
phát triển dược liệu đinh lăng theo tiêu chuẩn hướng dẫn thực hành tốt trồng
trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO)
tại tỉnh Nam Định. Ông Phạm Văn Đà - Chủ tịch UBND xã Hải Quang cho
biết: Toàn xã Hải Quang có khoảng 40 ha trồng cây dược liệu đinh lăng
rải rác ở tất cả các xóm. Trong đó tập trung ở các xóm 1, 2 với
tổng diện tích gần 20 ha. Hải Quang cũng có cơ sở được ký kết hợp
đồng với công ty Cổ phần Traphaco để phát triển dược liệu đinh lăng theo
tiêu chuẩn GACP-WHO nên hiện nay ngoài việc vận động, khuyến khích bà
con mở rộng diện tích chúng tôi cũng rất chú trọng tuyên truyền để
bà con thực hành tốt việc trồng, thu hái và sơ chế nhằm đảm bảo
hiệu quả, chất lượng dược liệu trước khi xuất bán cho công ty.
Nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính
quyền các cấp và sự mạnh dạn trong chuyển đổi sản xuất của người
nông dân địa phương, vừa qua xã Hải Quang đã được các phòng, ban liên quan của huyện về thẩm định, tiến tới công nhận “Làng nghề trồng cây
dược liệu Quang Bắc”. Có thể nói sự kiện này là một tín hiệu vui cho
cán bộ và nhân dân địa phương bởi nó sẽ tạo tiền đề, cơ sở cho nghề
trồng cây dược liệu đinh lăng - một ngành “kinh tế xanh” ngày càng
phát triển. Đó cũng chính là hướng đi phù hợp, hiệu quả giúp người
nông dân Hải Quang nói riêng và người nông dân toàn huyện nói chung có
thể làm giàu ngay trên chính đồng đất quê hương mình.
Như Xuân – Đài Phát thanh huyện